NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

 

TRỢ CẤP XÃ HỘI TẠI CỘNG HÒA SÉC

*Phần một : lọai hình và tiêu chuẩn để nhận; Phần hai : thủ tục để xin trợ cấp)

Hệ thống trợ cấp xã hội hiện hành ở CH Séc được áp dụng trên cơ sở của luật số 117/1995 TTL, về trợ cấp xã hội, cùng với các sửa đổi bổ sung về sau này.

*Tại CH Séc hiện tồn tại những loại hình trợ cấp xã hội như sau:

 -tiền trợ cấp trẻ em - přídavek na dítě

 -Tiền trợ cấp cho người mẹ/ bố của đứa trẻ mới ra đời - rodičovský příspěvek

 -Tiền trả bù (vào lương) xã hội - sociální příplatek

 -Trợ cấp nhà ở - příspěvek na bydlení

 -Trợ cấp nuôi trẻ vô thừa nhận/mồ côi - dávky pěstounské péče

 -Trợ cấp đẻ (tiền xe nôi) - porodné

 -Trợ cấp cho người chết (tiền mai táng) – pohřebné

Với người Việt Nam đang sống và làm việc tại CH Séc, ba loại trợ cấp đáng được chú ý nhất là (1) tiền trợ cấp cho người mẹ/ bố của đứa trẻ mới ra đời; (2) tiền xe nôi và (3) tiền trợ cấp cho trẻ em.

Ai cũng cứ tưởng rằng khi người phụ nữ sinh con ra sẽ “tự động” được nhận tiền trợ cấp sinh đẻ và được nghỉ “đẻ” mà vẫn có lương, thực tế đôi lúc không phải như vậy.

 (1) Theo luật, khi đứa trẻ được sinh ra, người mẹ (hoặc người bố), người trực tiếp chăm sóc đứa bé, có quyền được đòi hỏi trợ cấp sinh con (Rodičovský příspěvek), thế nhưng quanh việc trả tiền trợ cấp này cũng có nhiều điều đặc biệt. Hiện nay, người ta trả tiền trợ cấp này theo ba kiểu : 2 năm, 3 năm và 4 năm.

Trả kiểu 2 năm : Số tiền người mẹ nhận được hàng tháng là cao nhất 11 400 Kč/tháng. Kiểu này chỉ được áp dụng cho người Séc và người mẹ trong thời gian trước khi sinh con có thu nhập cao (có thể là người làm công ăn lương và được nhận lương cao, cũng có thể là người kinh doanh cá thể song trước đó lợi nhuận cao và nộp thuế cao – điều này được xác định qua bản khai thuế thu nhập hàng năm). Như vậy trong 24 tháng (2 năm), người mẹ/bố nhận được : 24 x 11 400 Kč = 273 600 Kč.

Trả kiểu 3 năm : ở mức cơ bản là 7600 Kč/tháng. Người mẹ/bố nhận được trợ cấp đến khi con tròn 3 tuổi, cả thảy 36 x 7600 = 273 600 Kč.

Trả kiểu 4 năm (ở mức hạ thấp) - nhận được trợ cấp đến khi con đủ 4 tuổi. Đại đa số các bà mẹ/ông bố được nhận trợ cấp kiểu này. Từ lúc con mới sinh ra đến khi con được 9 tháng tuổi, tiền trợ cấp là 7600 Kč/tháng và từ tháng thứ 10 đến tháng thứ 48 được nhận 3800 Kč/tháng. (9 x 7600 + 39x3800 = 216 600 Kč. Có thể nói tất cả những bà mẹ người Việt Nam, sinh con tại CH Séc (và có đủ tiêu chuẩn để được nhận trợ cấp) được nhận theo kiểu 4 năm này.

 (2) Ngòai tiền trợ cấp mẹ/bố này ra, người mẹ cũng nhận được một lần khỏan tiền đẻ – Porodné (gọi nôm na là tiền xe nôi) trị giá từ 13 000 Kč. Tiền xe nôi chỉ được trả cho người mẹ lần đầu sinh con (với người Việt thì sinh con đầu tiên tại Séc) kèm theo điều kiện, rằng thu nhập của cả gia đình không được cao hơn 2,4 lần mức tối thiểu theo luật định. Với người mẹ đẻ một con thì mức này là2,4x 4480 Kč/người = 10 752Kč. Nếu tính cả người bố vào thì thu nhập hàng tháng của cả nhà (chồng + vợ + con) không được vượt quá 16 992 kô run. Nếu đẻ sinh đôi (và đáp ứng các điều kiện khác nữa – thu nhập cả nhà không vượt quá 20 832 Kč/tháng) sẽ được nhận 19 500 Kč, đẻ sinh 3 (thu nhập không vượt quá 24 672 Kč/tháng) cũng được nhận 19 500 Kč....

 (3) Tiền trợ cấp cho trẻ em –Tiền trợ cấp cho trẻ em áp dụng cho trẻ từ khi mới sinh ra đến khi tròn 26 tuổi (tất nhiên là khi trên 18 tuổi vẫn đi học cho đến năm 26 tuổi). Để được nhận tiền trợ cấp cho trẻ em cũng phải thỏa mãn điều kiện như khi xin tiền xe nôi, tức là thu nhập của gia đình phải nhỏ hơn 2,4 lần mức thu nhập tối thiểu luật định. Một ví dụ điển hình : gia đình gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ, mức thu nhập của cả nhà không được vượt quá 21696 kô run/tháng. Các mức trả như sau : với trẻ đến 6 tuổi – 500 Kč/tháng; với trẻ từ 6 đến 15 – 610 Kč/tháng; với trẻ từ 15 đến 26 – 700 Kč/tháng).

   *Các loại tiền trợ cấp xã hội và làm thế nào để xin được? (Phần hai : thủ tục để xin trợ cấp)

1. Xin tiền xe nôi : Khi người phụ nữ sinh con, ngay trong bệnh viện, kèm với các hồ sơ khác, họ đã đưa luôn cho tờ đơn để khai xin tiền xe nôi (màu xanh với tiêu đề : ŽÁDOST O PORODNÉ). Nếu bạn chưa nhận được ở đây thì bạn có thể lấy tờ mẫu khai này tại phòng xã hội. Tờ khai có 7 phần, đánh dấu từ A đến G. Phần A – các dữ liệu về người mẹ mới sinh con (họ tên, ngày tháng năm sinh, số sinh (nếu có), địa chỉ cư trú tại Séc, số điện thoại hoặc Email để liên hệ). Phần này chú ý thêm dòng : Příjmy (thu nhập). Nếu trước khi đẻ, bạn đi làm (theo hợp đồng) hoặc kinh doanh thì ghi có (ANO), các trường hợp khác ghi không – NE. - !. Phần B – khai về đứa trẻ mới ra đời (ở đây có 3 khoang – phòng trường hợp đẻ sinh ba!). Lưu ý : trong trường hợp người mẹ mới sinh con bị chết, người bố (hoặc người đỡ đầu nuôi đứa trẻ) có quyền xin số tiền xe nôi này!. Khi đó phải ghi cả ngày nhận đứa trẻ về chăm sóc. Phần C – khai về những người cùng trong một gia đình với người mới sinh con/hoặc với người đệ đơn xin tiền xe nôi (chồng, những đứa con khác). Từ 01.01.2011, chỉ người sinh con lần đầu mới được “cho” tiền xe nôi chứ đã “lấy” được 1 lần rồi sẽ không được cho nữa!. Với người nước ngoài, tuy sinh con thứ hai, hoặc thứ ba nhưng đây là “đứa đầu tiên” sinh ra ở Séc thì vẫn có quyền xin số tiền này!. Phần D – hình thức nhận tiền. Ở đây, nếu có tài khỏan ngân hàng thì ghi số tk ra, nếu muốn phòng xã hội gửi séc (phiếu lĩnh tiền – poukázka) về địa chỉ nào thì ghi vào đó. Phần E : tên tuổi, địa chỉ của những người tuy trong cùng một gia đình (vợ/chồng/con) nhưng lại sống ở địa chỉ khác với địa chỉ của người xin tiền. Chẳng hạn người mẹ là người Việt Nam, chồng Tây chẳng hạn và lại không cùng sống trong một mái nhà (một địa chỉ) thì phải khai; hoặc có đứa con khác vẫn đang sống ở Việt Nam, chưa đón sang được – cũng khai vào đây. Phần F : dành cho công dân EU, không có định cư tại CH Séc. Phần G : phần tuyên bố (tuyên thệ) rằng những lời khai trên là đứng sự thật, rằng người đứng ra xin tiền xe nôi là đủ tiêu chuẩn, rằng chưa có ai khác xin số tiền này vv...Nếu đúng theo văn bản này thì chỉ những người mẹ (nếu là người nước ngoài – thuộc các nước thứ ba) đã có định cư – trvalý pobyt mới được xin tiền xe nôi!

2. Để xin được tiền trợ cấp sinh con ta phải nộp tờ khai có tên là Žádost o rodičovský příspěvek. Với người phụ nữ Việt Nam, nếu đứa trẻ mới sinh ra không phải là “con Tây”, thì trước hết phải đi làm các thủ tục xin cư trú cho đứa trẻ đã. Phòng xã hội chỉ “trả tiền nuôi con” cho người mẹ/hoặc bố từ khi đứa trẻ có cư trú hợp pháp trên lãnh thổ CH Séc. Do luật (xã hội) thay đổi, bạn chỉ có quyền đòi “ngược” lại – tức là truy lĩnh có ba tháng thôi, vì thế bạn hãy cố gắng để xin được cư trú cho đứa trẻ mới sinh càng sớm càng tốt!. Theo luật ngoại kiều, bạn phải nộp các văn bản pháp lý, để xin cư trú cho đứa trẻ, trong vòng 60 ngày kể từ ngày đứa trẻ ra đời. Tờ khai để xin tiền nuôi con cũng gồm 7 mục từ A đến G. Phần A – giống bên trên(1). Phần B – khai về đứa trẻ mà dựa vào nó, người mẹ/người bố xin tiền – nếu cùng lúc nuôi mấy con thì chỉ khai đứa bé ít tuổi nhất!. Nếu đứa trẻ có dị tật bẩm sinh – cũng có mục khai ở phần này. Phần C – khai về người bố/hoặc người mẹ (người không đứng ra xin tiền). Đây cũng là người ký và đồng ý để cơ quan nhà nước (phòng xã hội) trả tiền nuôi con cho người đệ đơn mà không có ý kiến phản đối gì. Phần D – giống bên trên(1). Phần E – yêu cầu được cho tiền nuôi con từ ngày nào – chú ý chỉ được đòi truy lĩnh có 3 tháng trở xuống mà thôi!. Phần F và G – giống bên trên(1). Phần H – tuyên thệ của người xin tiền nuôi con. Ở đây bạn tuyên bố rằng mình nuôi và chăm sóc con cả ngày (nếu không phải là trường hợp đặc biệt), hoặc tuyên bố rằng đứa trẻ đi hay không đi nhà trẻ, đi học vv...cuối cùng là danh sách các văn bản nộp cùng với đơn xin tiền trợ cấp sinh con.

3.Tiền trợ cấp cho trẻ em – để được tiền này ta phải điền mẫu đơn có tên gọi là Žádost o přídavek na dítě. Do luật ngoại kiều có thay đổi (về các điều kiện để có thể gia hạn cư trú), những người xin lọai trợ cấp này sẽ rất khó “giải trình” với bộ nội vụ khi gia hạn hoặc đổi thẻ cư trú (với người có định cư) nên tốt nhất là Không lấy tiền xã hội loại này!.

                                                                                                                           Ks. Nguyễn Kim Phụng