HÃY CẨN THẬN

HÃY CẨN THẬN

 

HÃY CẨN THẬN VỚI KIỂU BÁN HÀNG RONG TRÊN PHỐ

Chúng ta đã quen với cảnh bán hàng rong trên phố và thường đề phòng với loại hình bán hàng này (cảnh giác về chất lượng hàng, về nguồn gốc cũng như giá cả), thế nhưng rất nhiều người lại bị „lừa“ khi cầm bút ký vào những hợp đồng được bán theo hình thức „bán rong, bán dạo, bán đến từng nhà“ này. Vì tiền, những người đi „bán hợp đồng“ này càng ngày càng „trơ tráo“ hơn (họ được đi học và đào tạo thành thục công nghệ bán rong mà!). Họ chặn từng người trên đường phố, trước cửa nhà, trong hành lang nhà hay bấm chuông nhà bạn mà không hề báo trước cũng chẳng thèm „để ý“ đến thời gian. Chẳng hạn, họ gạ „bán năng lượng, có thể là điện, khí đốt hay nước nóng“ cho bạn theo hợp đồng của công ty mới toanh. Nếu bạn không cương quyết từ chối và „đuổi cổ“ những người này đi ngay từ đầu, thì họ sẽ bám „dai như đỉa“ luôn. Họ sẵn sàng lải nhải hàng giờ về những ưu điểm rồi những lợi lộc nếu bạn ký hợp đồng mới, mua hàng (ở đây là điện, khí đốt hay nước nóng), nào là giá rẻ hơn trước, nào là tiện lợi vì họ sẵn sàng đến tận nhà bạn giải quyết mỗi khi cần, nào là sẽ có quay thưởng cho khách hàng mới vv...Nhìn chung, tất cả các thuyết trình của họ đều theo kịch bản với mục đích rõ rệt – móc thêm tiền từ túi của các bạn ra!. Nhiều người, có thể vì „nể nang – họ nói nhiều quá, nhiệt tình quá nên tôi đành phải ký!“, có người thì gần như bị „lừa ký“ - đặc biệt là những người già, đã về hưu, không nắm bắt kịp được thời cuộc. Nhiều ông bà già đã bị những kẻ bán hợp đồng theo phương pháp „a la american – lợi nhuận biện minh cho tất cả!“ cho vào bẫy. Họ đã phải ký những hợp đồng bất lợi (tiêu thụ điện, ga, nước nóng hay cả những dịch vụ khác nữa) mà chẳng hề nắm được các điều kiện cụ thể thế nào, cuối cùng thì mỗi năm đành phải trả „đắt“ thêm vài ngàn so với hợp đồng cũ. Đôi lúc, những kẻ bán hợp đồng bất lương này còn đóng giả nhân viên của các công ty lớn và „lừa“ dân chúng ký hợp đồng mới với lý do là „công ty yêu cầu khách hàng ký HĐ mới“, hoặc ở vùng này công ty không còn hoạt động nữa nên khách hàng phải ký HĐ với hãng khác.

Ở một số vùng (nếu ông thị trưởng hiểu biết và không hám lợi) đã có lệnh Tuyệt đối cấm bán hợp đồng theo hình thức „bán dạo“ này, ví dụ như ở Veselí nad Moravou, Hodonín, Kyjov, Hovorany và a Čejkovice (Morava). Công an thành phố cũng yêu cầu dân chúng, nếu bị những người bán dạo này quấy rầy, hãy gọi điện thoại số 156. Theo phóng viên báo Právo cho biết, có công ty chuyên nghiệp, chuyên „bán hợp đồng“ kiểu này, hàng tháng kiếm thêm được tới 6000 khách hàng mới hàng tháng, tất nhiên là phải nhờ vào tài nghệ của những nhân viên bán hàng được huấn luyện hết sức chuyên nghiệp. Nhờ vậy mà cho đến nay đã có 250 000 hộ gia đình ký hợp đồng mới!.

Lời khuyên : với chúng ta, người Việt nam nói riêng và nước ngoài nói chung, hãy tránh xa những người bán hàng loại hình này. Hãy từ chối ngay từ đầu – já neumím česky, ja nevim, ja nechci ...hoặc là ja nemám čas ...Bạn có hay bị một cô gái, giọng rất trẻ, tự nhiên gọi điện đến và thuyết trình bạn ký hợp đồng với chế độ mới „rẻ hơn nhiều“ không?. Nếu rách việc thì cứ nghe, còn không hay từ chối thẳng thừng - Nemám zájem! Thế là xong.

Trích từ báo nguồn Právo